Các quan điểm ngoại giao trên thế giới, chuyện "Cây gậy", "Cây tre"
Ngày đăng: 04/04/2024 10:42
Số điện thoại
Ngày đăng: 04/04/2024 10:42
1. Ngoại giao “Cây gậy và củ cà rốt” (Tiếng Anh: carrot and stick)
Cái gậy và củ cà rốt xuất phát từ “Chính sách cái gậy lớn” của cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt (Theodore Roosevelt, Jr. (27 tháng 10 năm 1858 – 6 tháng 1 năm 1919), còn được gọi là T.R. hay Teddy, là một chính khách, chính trị gia, nhà bảo tồn học, người theo chủ nghĩa tự nhiên, nhà văn, và là Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ tại nhiệm từ năm 1901 đến 1909, lãnh đạo của Đảng Cộng hòa và là nhân vật chủ lực giúp ban hành các chính sách chống độc quyền trong Thời kỳ Tiến bộ đầu thế kỷ 20) đề xuất rằng: nói chuyện với đối thủ thì ôn hòa, nhưng trong tay luôn phải có một cây gậy to làm áp lực. Đường lối ngoại giao này chú trọng đến chính trị quốc tế, duy trì sức mạnh và khống chế của Mỹ, không ngại dùng vũ lực để can thiệp quân sự. Cây gậy là vũ lực là yêu cầu, đòi hỏi của Mỹ đối với các quốc gia khác trên thế giới. Còn “củ cà rốt” là dùng tiền bạc, quyền lợi… làm miếng mồi nhử. Chính sách này dựa trên cơ sở hai chính sách: “Ngoại giao đô la” (Dollar Diplomacy) của William Howard Taft – Tổng thống thứ 27 và “Cây gậy lớn” của Theodore Roosevelt – Tổng thống thứ 26 của Mỹ.
Một chính sách kiểu “cây gậy và củ cà rốt” phải luôn hội tụ đủ ba yếu tố: yêu cầu thay đổi, quyền lợi nếu thay đổi, biện pháp trừng phạt (kinh tế hoặc quân sự). Đây là loại chính sách có hai mặt, vừa đe dọa, vừa mua chuộc, trong đường lối đối ngoại của đế quốc Mỹ, nhằm can thiệp vào nội bộ hoặc dùng nó để xâm lược các nước khác.
Câu nói nổi tiếng của ông Theodore Roosevelt nguyên văn là: “Ăn nói nhỏ nhẹ và cầm một cây gậy lớn - bạn sẽ có thể tiến xa hơn trong cuộc sống”.
2. Ngoại giao “Cây sậy” (Reed)
Trong lịch sử lập quốc, Thái Lan từng là nước lớn lấn át các quốc gia láng giềng khi có thể. Nhưng tới giữa thế kỷ 19, Thái Lan đứng trước hiểm họa xâm lăng của các nước thực dân châu Âu. Về phía tây, Đế quốc Anh đã chiếm Miến Điện trong khi Pháp đã chiếm ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia ở phía đông. Thái Lan vô tình trở thành vùng đệm địa lý giữa hai thế lực thực dân đứng đầu thế giới.
Sách Lịch sử thế giới cận đại viết: “Năm 1885-1886 trong chiến tranh Anh - Miến lần thứ 3, Anh đã chiếm toàn bộ Miến Điện. Còn Pháp, sau khi đánh chiếm Việt Nam và Campuchia (năm 1884) cũng muốn nuốt ngay mảnh đất Xiêm màu mỡ và một số đất Lào khi đó phụ thuộc vào Xiêm. Xiêm đứng trước cơ hội mất nước. Nhưng Anh và Pháp không dễ gì có thể một mình nuốt trôi được nước Xiêm. Chính mâu thuẫn đó đã buộc chính phủ Pháp đi đến một đề nghị hòa giải để đảm bảo quyền lợi thực dân của cả Anh và Pháp: trung lập hóa Xiêm để tránh một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa hai bên, biến Xiêm thành một khu đệm nằm giữa các thuộc địa của Anh và của Pháp trên bán đảo Trung - Ấn”.
Vị trí vùng đệm cùng chính sách "ngoại giao cây sậy" - mềm dẻo, linh hoạt để đảm bảo lợi ích quốc gia, đã giúp Thái Lan là quốc gia Đông Nam Á duy nhất không bị chiếm làm thuộc địa của các nước châu Âu.
Tuy giữ được vị thế độc lập, Thái Lan vẫn phải nhượng nhiều quyền lợi và cắt lãnh thổ cho Anh và Pháp. Trong ba năm 1893, 1904 và 1907, Thái Lan phải nhường hơn 20.000 km2 cho Pháp; hay năm 1909 phải cắt hơn 40.000 km2 trên bán đảo Malacca cho Anh. Tuy nhiên, những vùng đất Xiêm cắt cho Anh và Pháp hầu hết là đất của Lào và Campuchia khi đó lệ thuộc vào Xiêm.
3. Ngoại giao “Bóng bàn” (Table tennis)
Tháng 4/1971, vào lúc cao điểm của Chiến tranh Lạnh, cả thế giới kinh ngạc khi đội tuyển bóng bàn Mỹ được đối thủ “không đội trời chung” Trung Quốc mời tới thi đấu ở Bắc Kinh.
Vì sao mà một chính quyền do Đảng Cộng sản lãnh đạo lại mời những vị khách đến từ quốc gia chống Cộng khét tiếng nhất?
Thủ tướng Chu Ân Lai đã trả lời câu hỏi mà cả thế giới đặt ra chỉ vài ngày sau khi đội bóng bàn Mỹ và các nước khác đến thủ đô Trung Quốc. Mời khách thưởng thức những tách trà nóng, ông Chu tuyên bố kỷ nguyên thù địch và chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Mỹ chấm dứt.
Đội bóng bàn của Mỹ cùng các phóng viên tháp tùng đã trở thành những mũi tên đầu tiên xuyên thủng bức tường thù địch giữa hai quốc gia, tạo điều kiện cho chuyến thăm lịch sử của tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon 10 tháng sau đó. Trong lịch sử, chưa bao giờ thể thao được sử dụng làm công cụ thúc đẩy ngoại giao một cách hiệu quả đến thế.
Thật kinh ngạc. Thế giới đặt tên cho sự kiện này biệt danh "ngoại giao bóng bàn", nó cho thấy sức mạnh của thể thao trong việc giúp các nước ngồi lại với nhau. Và sau đó, Bắc Kinh đang tất bật chuẩn bị cho Olympics 2008, hy vọng Thế vận hội sẽ tạo ra một hình ảnh đẹp đẽ hơn nữa của Trung Quốc trước con mắt thế giới về một con rồng vươn mình.
Nhìn lại đầu năm 1971, đất nước Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông đóng cửa với hầu hết các nước trên thế giới và không có bất cứ mối quan hệ nào với Mỹ. Bắc Kinh liên tiếp từ chối những lời đề nghị viện trợ thiên tai của Washington. Phía Mỹ cũng không kém khắc nghiệt, năm 1956, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là John Foster Dulles từng đe dọa bỏ tù bất kỳ phóng viên Mỹ nào nhận lời mời đến Trung Quốc.
Lời mời bất ngờ được phía Trung Quốc đưa ra sau khi các cầu thủ nước này giành chiến thắng trong giải bóng bàn thế giới ở Nagoya, Nhật Bản. Ngoài các cầu thủ Mỹ, còn có các phóng viên được cấp visa đi theo là John Rich và Jack Reynolds của NBC, cùng với John Roderick của AP.
Tính toán khôn ngoan này được cho là xuất phát từ thủ tướng Chu Ân Lai, vị chính khách rất tinh tế và có tư tưởng quốc tế. Ông muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Washington, coi đó là vũ khí chống kế hoạch mở rộng phạm vi ảnh hưởng của phe thân Liên Xô.
Lo ngại vấp phải một sự phản đối công khai từ Nixon - vốn nổi tiếng chống cộng, Chu quyết định thử phản ứng của công chúng Mỹ. Còn có điều gì tốt hơn là thể hiện thiện chí đối với các cầu thủ bóng bàn Mỹ - những người xếp hạng 17 trên thế giới (trong khi Trung Quốc vừa giành hạng nhất)? Nếu phản ứng của dư luận Mỹ bất lợi, Trung Quốc cũng không bị mất mặt.
Tuy nhiên, trong cuốn "Mao: Câu chuyện chưa từng được biết" viết về tiểu sử của nhà lãnh đạo Trung Quốc do Jung Chang và Jon Halliday viết, thì Mao Trạch Đông mới chính là người quyết định việc mời các vị khách Mỹ.
Thực tế là vào thời điểm đó - giai đoạn giữa của Cách mạng Văn hóa do Mao, vợ Giang Thanh và một số nhân vật nữa khởi xướng - Mao Trạch Đông có rất nhiều quyền lực. Ảnh và các trước tác của ông được vô cùng trân trọng, thậm chí tôn sùng.
Khi đoàn vận động viên và phóng viên Mỹ tới, họ nhìn thấy những đám đông tươi cười chào đón, trong tay mang những cuốn Mao tuyển, trong có ghi những lời giáo huấn của nhà lãnh đạo.
Từ ngày 8 đến 18/4/1971, các vận động viên bóng bàn Mỹ đã chứng tỏ họ là những nhà ngoại giao tuyệt đích, chỉ bằng chính sự hiện diện ở Trung Quốc. Ở bất cứ nơi nào họ tới - Vạn lý Trường thành hay cung điện hoàng gia - họ đều châm ngòi cho những tràng vỗ tay và reo hò. "Meiguo ren hen hao - Người Mỹ rất tốt", đám đông hô vang. Sự cổ vũ càng lớn hơn khi các tay vợt thi đấu giao hữu trước 18.000 khán giả.
Đội nam Trung Quốc thắng 5-3 và đội nữ thắng 5-4, trong sự theo dõi chăm chú và cổ vũ nhiệt liệt của khán giả. Sau đó hai bên trao quà lưu niệm và nắm tay nhau cùng bước ra khỏi sân đấu. Cảm giác chung của những người Mỹ khi đó là phía Trung Quốc đã cố để không làm đội Mỹ ngượng vì tỷ số quá cách biệt.
Các cầu thủ Mỹ được đối xử rất trịnh trọng, và được thết những bữa ăn 8 món, được đi chơi Thượng Hải và thăm thú núi rừng. Các phóng viên theo đoàn được phép chụp thoải mái và đã đốt hơn 3.000 m phim màu trong suốt chuyến thăm.
Những gì mà đội bóng bàn Mỹ nhận được ở Trung Quốc đã góp phần quan trọng đưa đến quyết định của Nixon: thăm Bắc Kinh vào đầu năm 1972. Chuyến thăm được đánh giá là đã làm thay đổi mạnh mẽ cán cân Chiến tranh Lạnh. Nó phục vụ kế hoạch của Nixon là rút khỏi Việt Nam và là một trong những quyết định được người Mỹ hoan nghênh nhất trong cả nhiệm kỳ tổng thống đầy sóng gió của ông này.
Nhưng mãi tới 8 năm sau đó, Mỹ và Trung Quốc mới chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và trao đổi đại sứ. Khi đó, Mao Trạch Đông đã qua đời, và những người kế nhiệm ông - với tư tưởng thực tế - đã thực hiện công cuộc cải cách, đưa Trung Quốc trở thành chủ nhà của Đại hội thể thao thế giới 2008 - một điều khó tưởng tượng vào thời điểm 1971.
4. Ngoại giao Cây tre (Bamboo)
Ngoại giao cây tre là thuật ngữ mô tả phong cách ngoại giao của Việt Nam được Giáo sư Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam nêu thành quan điểm chính thống .
Nội dung theo Tổng Bí Thư: “Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạt động đối ngoại đã làm nên nhiều thành tích vẻ vang, xây dựng nên một trường phái ngoại giao độc đáo, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam"- mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người,... thể hiện tâm hồn và khí phách của dân tộc Việt Nam”.
Ngoại giao cây tre xuất hiện chính thức, thành văn bản từ phát biểu của Tổng Bí Thư tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vào ngày 22 tháng 8 năm 2016.
Đây là sự phát triển của Tư tưởng Hồ Chí Minh từ những ngày đầu Người lãnh đạo đất nước. Thực tiễn các cuộc đấu tranh ngoại giao của Việt Nam từ sau ngày 2-9-1945 đến trước ngày 19-12-1946 đã để lại bài học cơ bản cho các cuộc đấu tranh ngoại giao sau này là cần phải “mềm dẻo về sách lược nhưng cứng rắn về nguyên tắc”:
Cứng rắn về nguyên tắc: dù nhượng bộ với Pháp và Trung Hoa Dân Quốc ở từng thời kì nhưng Đảng và chính phủ luôn tuân thủ nguyên tắc: không đánh mất độc lập dân tộc.
Mềm dẻo về sách lược: Trước 6/3/1946: Đảng chủ trương hòa hoãn với Trung Hoa Dân Quốc để tập trung đánh Pháp.
Khi Pháp và Trung Hoa Dân Quốc kí với nhau Hiêp ước Hoa – Pháp (28/2/1946) thì Đảng đã chủ trương hòa hoãn với Pháp để đuổi một kẻ thù là Trung Hoa Dân Quốc. Nhằm có thời gian chuẩn bị và phát triển lực lượng, hướng cuộc đấu tranh vào một kẻ thù duy nhất là thực dân Pháp.
“Cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo về sách lược” được áp dụng trong đấu tranh tại Hội nghị Giơneve 1954. Hội nghị Genève khai mạc ngày 26 tháng 4 năm 1954 bàn về vấn đề khôi phục hòa bình tại Đông Dương.
Hiệp định hình thành sau 75 ngày đàm phán với 8 phiên họp rộng và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai. Hiệp định được ký ngày 20 tháng 7 năm 1954.
Nguyên tắc này tiếp tục được áp dụng trong Hội nghị Paris về việc ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (Kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, bắt đầu ngày 13-5-1968 đến ngày 27-1-1973, trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn và hàng nghìn cuộc mít tinh ủng hộ Việt Nam, Hội nghị Paris về Việt Nam trải qua hai đời Tổng thống Mỹ là Lyndon B. Johnson và Richard Nixon)
Cụm từ ‘Ngoại giao cây tre” được đúc kết từ Tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, để thành quan điểm, chủ trương thì Giáo sư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam là người đầu tiên đưa vào văn bản chính thống.
(Sưu tầm và tổng hợp - nguồn internet)
13/01/2022 11:25:53
21/12/2021 14:34:20
09/11/2021 10:40:20
09/11/2021 10:35:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0