Đắk Lắk, lịch sử hình thành
Ngày đăng: 27/12/2023 10:21
Số điện thoại
Ngày đăng: 27/12/2023 10:21
Tỉnh Đắk Lắk ngày nay được hình thành trên cơ sở một vùng đất lâu đời, con người đã sinh sống ở nơi đây từ thời nguyên thủy.
Trải qua những thay đổi về cương vực, địa giới hành chính qua các thời kỳ lịch sử (thời kỳ tiền sử đến thế kỷ XV, từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1945, từ năm 1945 đến năm 1975, từ năm 1975 đến năm 2020), Đắk Lắk là một vùng đất đậm đà những nét đẹp của văn hóa lâu đời trong cộng đồng 54 dân tộc anh em.
Theo các tài liệu khảo cổ học thời tiền sử - sơ sử, con người xuất hiện trên vùng đất Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng từ hàng trăm nghìn năm trước. Họ cư trú trên những gò cao, thềm sông suối, ven hồ nước, vùng đất đỏ bazan. Bằng những công cụ đá tự chế tác (rìu, bôn), họ chặt cây, xới đất, làm nghề nông; tạo ra cho mình những đồ trang sức bằng đá, làm ra đồ gốm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, phục vụ sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng và đáp ứng các nhu cầu xã hội khác.
Bước vào thời kỳ tiền phong kiến, cũng như toàn Tây Nguyên, vùng đất Đắk Lắk thuộc về đất Việt Thường. Tuy nhiên do vị trí địa lý, vùng Tây Nguyên nói riêng, vùng Trung bộ Việt Nam nói chung, nằm ở ngã ba của các quốc gia Đông Dương, luôn chịu sự tranh chấp của nhiều thế lực bên ngoài với các tộc người bản địa hoặc giữa các thế lực xâm lược với nhau, luôn chịu sự xáo trộn về ranh giới địa lý hành chính.
Sau năm 1470, Tây Nguyên trở thành một phiên quốc của triều đình phong kiến Đại Việt, nhận thức được tầm quan trọng của vùng đất Tây Nguyên, nhà nước phong kiến Đại Việt với chính sách nhu viễn đã từng bước gắn kết, xác lập mối quan hệ lâu dài giữa người Việt với cư dân bản địa.
Như vậy, cho đến trước khi bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, vùng Tây Nguyên, trong đó có Đắk Lắk chưa có một hệ thống hành chính hoàn chỉnh, về cơ bản vẫn là vùng đất với xã hội được vận hành theo luật tục của các buôn làng độc lập (luật tục của người Êđê, Mnông, Gia Rai...). Xã hội của cư dân Đăk Lăk, cũng như trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, thời kỳ này là một cộng đồng gồm nhiều bộ lạc sinh sống phân tán trên các địa hình khác nhau. Tuy vẫn có sự tập trung trong một địa bàn nhất định để hình thành nên một tổ chức xã hội, nhưng xét về mức độ và sự liên kết có phần lỏng lẻo hơn so với cư dân cùng thời, thuộc các nền văn hóa khảo cổ miền đồng bằng và ven biển Việt Nam. Đơn vị xã hội cơ bản của cư dân bản địa nơi đây thuộc phạm trù công xã nguyên thủy - từ giai đoạn công xã thị tộc tiến lên công xã láng giềng (đơn vị xã hội cổ truyền). Trên địa bàn Tây Nguyên rộng lớn, khái niệm trên cũng mang tên khác nhau theo từng ngôn ngữ của các tộc người. Người Êđê gọi là “buôn”; người Mnông, Mạ là “bon”; người Gia Rai, Chu Ru là “plei” (plây); người Ba Na là “kon”... Những gia đình có nhiều thế hệ chung sống (“gia đình lớn”, “đại gia đình”, “gia đình truyền thống”...), chính là những tế bào của các đơn vị xã hội cơ bản trên. Thiết chế đó có thể mang đậm nét của chế độ thị tộc mẫu hệ hoặc chế độ thị tộc phụ hệ.
Cùng với việc nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (1858) mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã cử các phái đoàn lên Tây Nguyên điều tra, khảo sát tình hình dưới các hình thức truyền đạo hoặc nghiên cứu dân tộc học. Năm 1899, Tây Nguyên trở thành vùng đất thuộc quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp.
Ngày 01/6/1899, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đại lý hành chính Đắk Lắk thuộc Lào (gồm cả toàn bộ địa bàn tỉnh Stung Streng - Campuchia).
Ngày 22/11/1904, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định trả lại Đắk Lắk từ Lào cho Việt Nam thuộc quyền giám sát và quản trị của Khâm sử Trung Kỳ. Sự kiện này mang tính pháp lý, xác nhận chủ quyền lãnh thổ quốc gia trọn vẹn của Việt Nam, cột mốc đánh dấu sự thành lập tỉnh Đắk Lắk và tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột.
Ngày 02/7/1923, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách Đại lý Đắk Lắk khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập một tỉnh độc lập. Lúc mới thành lập, Đắk Lắk chưa chia thành các huyện, tổng mà chỉ có đơn vị làng dựa theo các buôn làng có sẵn của các dân tộc thiểu số, bao gồm: người Êđê có 151 làng, người Bih có 24 làng, người Gia Rai có 11 làng, người Krung có 28 làng, người M’dhur có 120 làng, người Mnông có 117 làng, người Xiêm có 01 làng.
Thiếu nữ Ê Đê bên bến nước (Hình ảnh từ Internet).
Đến năm 1931, trong cuộc cải cách hành chính toàn Đông Dương, địa bàn tỉnh Đắk Lắk được chia thành 5 quận là Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Đắk Song. Lắk và M'Đrắk; tỉnh lỵ đóng tại Buôn Ma Thuột.
Đến năm 1936, tỉnh Đắk Lắk có diện tích 21.300 km2, dân số 106.000 người, bao gồm 30 tổng, 576 xã. Ngày 06 01 1942, Khâm sứ Trung kỳ ra Nghị định số 3268 chia Đắk Lắk thành 05 quận (Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Lắk); 02 đại lý (M’Đrắk, Đắk Dam).
Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hành chính được chia thành 3 bộ (Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ) và tỉnh Đắk Lắk thuộc Trung Bộ và Chiến khu 6.
Sau Hiệp định Giơnevơ từ năm 1954, vùng Tây Nguyên nói chung. Đắk Lắk nói riêng do chính quyền Sài Gòn quản lý, tỉnh lỵ Đăk Lăk thuộc cao nguyên Trung phần của “Việt Nam Cộng hòa”.
Ngày 02 7/1958, chính quyền Sài Gòn ra Nghị định ấn định các đơn vị hành chính tỉnh Đắk Lắk, gồm 5 quận với 21 tổng, 77 xã. Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, thành lập mới, đến sau ngày 01/9/1965, địa giới hành chính của tỉnh Đắk Lắk tương đối ổn định cho đến ngày được hoàn toàn giải phóng.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975), chính quyền cách mạng tỉnh Đắk Lắk tạm thời sắp xếp lại các đơn vị hành chính trong tỉnh.
Đầu năm 1976, tỉnh Đắk Lắk và Quảng Đức được sáp nhập thành tỉnh Đắk Lắk với địa giới giống như thời kỳ sau Cách mạng tháng Tám 1945, toàn tỉnh Đắk Lắk có 5 huyện (Krông Búk, Krông Pắc, Đắk Mil, Đắk Nông. Lắk) và thị xã tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột.
Tính đến năm 2003, toàn tỉnh Đắk Lắk có 18 đơn vị hành chính cấp huyện (01 thành phố, 17 huyện) với 203 đơn vị hành chính cấp xã (13 phường, 18 thị trấn, 172 xã), gồm: thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện: Đắk R’lấp, Đắk Nông, Đắk Mil, Ea Súp, Cư M gar, Krông Ana, Cư Jút, Krông Nô, Krông Pắc, Ea Kar, Lắk, Krông Bông, Ea Hleo, Krông Búk, Krông Năng, M'Đrắk, Buôn Đôn.
Sau khi chia tách tỉnh Đắk Lắk thành 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông theo Nghị quyết số 22/2003/QH11 của Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đắk Lắk có diện tích tự nhiên 13.026.201 km với dân số 1.666.854 người. Phía Bắc giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông, phía Đông giáp tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, phía Tây giáp tỉnh Modolkiri (Campuchia), có đường biên giới dài 73 km. Toàn tỉnh có 13 huyện, thành phố, với 165 đơn vị hành chính cấp xã, 2.129 thôn, buôn, tổ dân phố.
Đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và các huyện: Cư M’gar, Krông Búk, Ea H’Leo, Krông Năng, Krông Pắc, Ea Kar, M'Đrắk, Krông Bông, Lắk, Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp. Toàn tỉnh có 184 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 152 xã, 20 phường và 12 thị trấn.
Thành phố Buôn Ma Thuột
Đắk Lắk có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh Tây Nguyên thông qua hệ thống Quốc lộ 14, 14C và Quốc lộ 27; các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ như: Phú Yên, Khánh Hòa thông qua Quốc lộ 26, 29. Đắk Lắk có thể kết nối dễ dàng với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai thông qua đường Hồ Chí Minh; có sân bay Buôn Ma Thuột, là một trong những Cảng hàng không lớn, hiện đại được xác định là đầu mối giao thông quan trọng - cửa ngõ hàng không nối Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế và du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng, Thanh Hoá và trong tương lai kết nối với các thị trường quốc tế.
http://dalov.org.vn/dan-so-tinh-dak-lak-2150.html
13/01/2022 11:25:53
21/12/2021 14:34:20
09/11/2021 10:40:20
09/11/2021 10:35:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0