Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Ngày đăng: 07/11/2024 15:37
Số điện thoại
Ngày đăng: 07/11/2024 15:37
Quan điểm, chủ trương của Đảng
về người Việt Nam ở nước ngoài từ năm 1996 đến nay
Nhằm phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới đất nước, ngày 29-11-1993 Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết số 08-NQ/TW về “Chính sách và công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng với những quan điểm mới rất cơ bản và có ý nghĩa chỉ đạo chiến lược lâu dài về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Tuy nhiên, nội dung Nghị quyết chưa được triển khai cụ thể.
Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, Việt Nam đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, Đại hội VIII (1996) của Đảng đề ra chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết Đại hội nêu rõ: “Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta chủ trương bảo hộ quyền lợi chính đáng, giúp đỡ nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường đoàn kết tương trợ, giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc; tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về thăm quê hương, giúp đỡ gia đình, đóng góp ngày càng nhiều hơn vào sự nghiệp xây dựng đất nước”1.
Ngày 26-3-2004, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”. Nghị quyết khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng luôn coi bà con kiều bào là bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; đồng thời nêu rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích chính đáng của kiều bào và bảo hộ công dân: Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thỏa thuận với các nước hữu quan về khuôn khổ pháp lý để đồng bào ổn định cuộc sống, bảo vệ quyền lợi chính đáng của cộng đồng NVNONN, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với NVNONN2.
Đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng và để tạo thêm động lực cũng như những bước đột phá mới trong công tác đối với NVNONN, ngày 19-5-2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW “Về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”. Chỉ thị nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã góp phần tích cực vào việc tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cổ vũ, động viên NVNONN nâng cao ý thức tự hào dân tộc, lòng yêu nước, gắn bó với quê hương đất nước. Phần lớn kiều bào đã có địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội nơi họ đang sống và làm việc. Tiếng Việt được sử dụng là ngôn ngữ chính của cộng đồng NVNONN song hành cùng tiếng nói của nước sở tại. Bản sắc văn hoá, truyền thống dân tộc Việt Nam được bảo tồn và truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Vai trò của cộng đồng NVNONN ngày càng nâng cao, thực sự là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chỉ thị số 45-CT/TW nêu rõ những hạn chế, bất cập còn tồn tại. Một số cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN bảo tồn, phát huy bản sắc, truyền thống văn hoá của dân tộc và góp phần xây dựng đất nước còn chậm, chưa đồng bộ. Vẫn còn một bộ phận NVNONN chưa có địa vị pháp lý ổn định. Vẫn còn thành phần giữ thái độ định kiến, mặc cảm; một số ít người còn có tư tưởng, hành động không phù hợp với lợi ích dân tộc. Những hạn chế, bất cập trên, chủ yếu là do một số cơ quan Trung ương và địa phương nhận thức chưa thật sự đầy đủ, sâu sắc, thống nhất về công tác đối với NVNONN.
Trên cơ sở đánh giá thành tựu, hạn chế, Bộ Chính trị nêu rõ: Trong thời gian tới, cộng đồng NVNONN sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú, có cuộc sống ngày càng ổn định, có tiềm lực về tri thức và kinh tế, có vị trí và ảnh hưởng trong xã hội nước sở tại. Tình hình quốc tế, trong nước và những yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH hóa và hội nhập quốc tế đòi hỏi công tác đối với NVNONN cần được tăng cường và coi trọng hơn.
Bộ Chính trị nhắc lại quan điểm: NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tăng cường hơn nữa sự gắn bó của NVNONN với đất nước. Mọi người Việt Nam ở nước ngoài đều được khuyến khích, tạo điều kiện trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; đồng thời bổ sung quan điểm: “Đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung”, “chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”, đồng thời nhấn mạnh “tiếp tục quan tâm, sớm có giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trên tinh thần cởi mở, chân thành, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Kiên trì vận động, thuyết phục những người còn giữ định kiến, mặc cảm”6. Như vậy, đoàn kết vừa là nền tảng vừa là mục tiêu của công tác NVNONN.
Nhằm phát huy vai trò tích cực của cộng đồng NVNONN trong sự nghiệp CHN, HĐH và hội nhập quốc tế, Đại hội XII (2016) của Đảng nêu rõ: “Nhà nước hoàn thiện cơ chế, chính sách để hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào định cư ở nước ngoài ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, góp phần tăng cường hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước; được bảo hộ tính mạng, tài sản và các quyền, lợi ích chính đáng; tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; có cơ chế, chính sách thu hút đồng bào hướng về Tổ quốc, đóng góp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng chủ trương “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại. Nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh... Tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ngày 12-8-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 12-KL/TW “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới” nhấn mạnh việc cần thiết thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng NVNONN, đồng thời tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương. Triển khai có hiệu quả chủ trương đoàn kết dân tộc đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ hàng đầu nhằm góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hiện nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, việc bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của NVNONN nhất là về địa vị pháp lí rất quan trọng, để cộng đồng có thể ổn định cuộc sống lâu dài. Vì vậy, trong triển khai chính sách đối ngoại của Đảng, NVNONN luôn chiếm vị trí đặc biệt. Việc thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước sẽ hỗ trợ tích cực đối với cộng đồng người Việt Nam ở các nước, tạo thuận lợi cho NVNONN ổn định cuộc sống, phát triển và phát huy vai trò với sở tại. Nếu NVNONN phát triển, hội nhập tốt có nhiều đóng góp vào xã hội nước sở tại sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Từ nhận thức trên, khi đón tiếp nguyên thủ, lãnh đạo các nước có nhiều kiều bào sinh sống tới thăm Việt Nam, cũng như trong các chuyến thăm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới các nước, Việt Nam luôn đề nghị Chính phủ các nước quan tâm, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam. Lãnh đạo các nước đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với NVNONN. Nhiều thoả thuận, hiệp định hỗ trợ tư pháp được ký kết ở cấp Chính phủ với các nước tạo cơ sở pháp lý cho kiều bào ổn định cuộc sống, hội nhập và phát triển ở nước sở tại.
Như vậy, có thể thấy rằng nhận thức của Đảng về NVNONN trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, từ năm 1996 đến nay thể hiện sự nhất quán về khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Trong đó NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Nhà nước Việt Nam bảo hộ quyền lợi chính đáng của NVNONN trên cơ sở pháp luật của Việt Nam, pháp luật nước sở tại và luật pháp quốc tế. Các chính sách của Nhà nước ngày càng đồng bộ hơn, hướng tới hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng NVNONN ổn định và phát triển bền vững. Trong triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Chính trị nhấn mạnh đây là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm phát huy vai trò của NVNONN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
13/01/2022 11:25:53
21/12/2021 14:34:20
09/11/2021 10:40:20
09/11/2021 10:35:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0